Ấm siêu tốc có tốn điện không?
Ấm siêu tốc có tốn điện không, dùng thiết bị này thế nào để tiết kiệm điện tối đa... là điều mà rất nhiều người muốn biết.
Ấm siêu tốc giúp bạn đun sôi nước nhanh hơn so với thiết bị thông thường. Nước trong bình nóng dần lên nhờ vào bộ phận đốt dưới đáy. Khi người dùng nhấn công tắc khởi động, mâm nhiệt sẽ nóng lên và truyền nhiệt vào nước. Rơ le nhiệt ở tay cầm sẽ giãn nỡ và tự động ngắt điện khi nước trong bình đạt 100 độ C.
Vậy ấm siêu tốc có tốn điện không khi nó hoạt động hiệu quả và làm sôi nước trong thời gian ngắn như vậy? Đó là điều không ít người thắc mắc, bởi sự lên xuống của con số trong hóa đơn tiền điện là mối quan tâm của nhiều gia đình.
Ấm siêu tốc có tốn điện không?
Mức công suất thường gặp trên các loại ấm đun siêu tốc là từ 1.500 đến 2.200W, được cho là khá lớn và gây tiêu hao điện năng đáng kể. Tuy nhiên, lượng điện tiêu thụ của thiết bị này lại phụ thuộc khá nhiều vào thói quen sử dụng của bạn.
Ấm siêu tốc có tốn điện không là thắc mắc của nhiều người. (Ảnh: Sunhouse)Ví dụ, với ấm siêu tốc có dung tích 1,8 lít, công suất hoạt động là 1.500W, thời gian đun sôi nước trung bình là khoảng 6 phút (0,1 giờ). Lượng điện tiêu thụ cho mỗi lần đun là: 0,1 x 1.500 = 150Wh. Trung bình mỗi ngày đun 3 lần, một tháng sẽ tốn 13.500Wh, tức 13,5 số điện. Tính theo giá trung bình hiện nay là 3.000 đồng một số điện thì số tiền điện mỗi tháng là 40.500 đồng.
Còn nếu dùng ấm siêu tốc 2.200W, mỗi tháng bạn sẽ tốn khoảng 60.000 đồng.
Hết quả trên cho thấy, việc sử dụng ấm siêu tốc không gây tốn quá nhiều điện như nhiều người nghĩ. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà mức tiêu thụ điện sẽ khác nhau.
Việc sử dụng bình siêu tốc sai cách cũng có thể gây tốn điện hơn bình thường. Bạn cần chọn ấm đun có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của các thành viên để tránh lãng phí điện.
5 sai lầm khi dùng ấm siêu tốc
Dùng ấm siêu tốc theo 5 kiểu này, bạn vừa phải trả thêm tiền điện, vừa phải uống nước đóng cặn, ấm lại nhanh hỏng.
Bắt ấm làm việc liên tục
Bạn đừng nghĩ việc đun nước liên tục sẽ giúp tiết kiệm điện vì tận dụng nhiệt năng khi ấm đang nóng sẵn. Thực tế, dù sử dụng liên tục thì ấm vẫn tiêu tốn chừng đó điện năng cho một lần đun; trong khi đó mâm nhiệt lại nóng vượt quá mức cho phép và làm tăng nguy cơ cháy nổ.
Vì thế, bạn nên để ấm nguội bớt rồi mới tiếp tục đun nước.
Dùng chung ổ điện
Dùng chung ổ điện với các thiết bị khác là sai lầm cực kỳ phổ biến. Công suất của ấm đun nước khá cao, vì vậy bạn nên dùng ổ điện riêng cho nó để tránh quá tải, gây nguy hiểm.
Không nên dùng ấm siêu tốc đồng thời với các thiết bị điện gia dụng có công suất lớn khác như nồi cơm điện, bếp điện, bình nóng lạnh, máy giặt... vì dễ gây quá tải, chập, cháy.
Để ấm siêu tốc gần quạt, máy lạnh
Bạn sẽ tốn nhiều điện năng hơn nếu để ấm đun nước trước các luồng gió quạt hay máy lạnh. Những thiết bị đó sẽ làm hao nhiệt của ấm, kéo dài thời gian đun. Bạn càng tốn thêm tiền điện do máy lạnh phải hoạt động nhiều hơn để hạ nhiệt của căn phòng.
Đun thức ăn bằng ấm siêu tốc
Nhiều người vì sự tiện dụng nên thường xuyên dùng ấm siêu tốc để nấu canh, luộc trứng, luộc rau, đun chè xanh... Thói quen này khiến thành và đáy ấm đóng cặn, rất khó làm sạch. Ngoài ra, lượng muối trong đồ ăn bám vào ấm cũng khiến ấm nhanh hỏng hơn.
Nên nhớ, ấm đun nước chỉ dành để đun nước.
Đổ hết nước sau khi sôi
Phần lớn mọi người đổ toàn bộ nước trong ấm ra sau khi nước sôi. Điều này làm giảm tuổi thọ của thiết bị vì sau khi ấm ngắt điện, mâm nhiệt vẫn duy trì mức nhiệt độ cao một thời gian rồi mới nguội dần. Tốt nhất là bạn để lại một ít nước trong ấm, chỉ trút hết khi ấm nguội hẳn.